Tại phiên họp thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải lấy ý kiến nhân dân, của dư luận xã hội trong việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng cho rằng: “Làm điều hành, quản lý nhà nước phải lắng nghe nhân dân, dư luận xã hội để kịp thời xử lý, giải quyết công việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Không chỉ những chỉ tiêu pháp lệnh mà Đảng, Quốc hội giao, mà giải quyết cả những bức xúc, điểm nghẽn trong xã hội. Như vậy, nghị quyết mới bám sát thực tiễn, mới có sức sống”.
Quan điểm của Thủ tướng nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội. Với việc lấy ý kiến người dân về lĩnh vực vĩ mô, thêm một thôngđiệp của một Chính phủ kiến tạo, hành động để phục vụ nhân dân. Đây là một việc làm dù chưa có tiền lệ, nhưng phù hợp với xu thế phát triển, không chỉ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mà còn huy động được sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cần phải khẳng định lại, nói là chưa có tiền lệ là ở lĩnh vực vĩ mô, còn ở những lĩnh vực và công việc cụ thể, thì việc lấy ý kiến người dân là việc làm thường xuyên của cả hệ thống bộ máy công quyền. Không phải bây giờ, từ nhiều năm nay, qua nhiều kênh thông tin, hệ thống các cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ luôn cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp của dân phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường, đầu tư cho phát triển, cải cách giáo dục, thu hút nhân tài... Nói cách khác, những thành tựu chung của đất nước trong những năm gần đây luôn có sự đóng góp thiết thực của người dân.
Trở lại với quan điểm lấy ý kiến nhân dân để xây dựng Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ quan điểm sẵn sàng lắng nghe ý tưởng cũng như hiến kế của người dân đối với các vấn đề vĩ mô của đất nước, những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân.
Ngược lại, với người dân, họ càng nhận thức rõ trách nhiệm đối với sự nghiệp chung của đất nước khi quyền dân chủ của mình được phát huy. Hơn thế, họ càng cảm thấy tự hào khi được đóng góp trí tuệ vào công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước. Không chỉ hiến kế, người dân còn có thể tương tác, phản ánh những vấn đề bất cập và nhanh chóng nhận được hồi âm từ lãnh đạo cao nhất của Chính phủ.
Phải khẳng định rằng, việc lấy ý kiến của nhân dân là một việc làm hợp với xu thế phát triển. Chính quyền lấy ý kiến của dân là nhằm phục vụ lợi ích chung của đất nước. Dẫu ý kiến đóng góp đó ở mức độ nào, dù chỉ là một gợi mở, nhưng theo nhìn nhận của lãnh đạo Chính phủ, nó hết sức quan trọng và cần thiết, bởi đó là trí tuệ của nhân dân. Ở góc độ người dân, khi họ luôn canh cánh, dày công thai nghén cho một hoài bão hoặc một ý tưởng, cũng là thể hiện lòng yêu nước, mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Với những gì mà Chính phủ đang triển khai hoặc đang còn là chủ trương, đã cho thấy quan điểm của lãnh đạo Chính phủ và tâm huyết của người dân cùng gặp nhau ở chỗ: Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân phát huy quyền dân chủ. Còn người dân sẵn sàng hiến kế mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, tất cả vì lợi ích chung, lợi ích cộng đồng. Đây cũng là sự tương tác, là cầu nối để lãnh đạo Chính phủ gần gũi với dân, lắng nghe ý kiến của dân, trên hết là thể hiện quan điểm: Vì dân.